In trang: 


Chuyện tự cường ở một Viện vùng khó khăn nhất: [Bài 1] Con đường tự chủ

Đăng ngày:11/1/2019 4:31:15 PM bởi admin

Viện KHKT Nông nghiệp Duyên hải Nam Trung bộ (ASISOV) là một trong những viện vùng thành công và tiêu biểu của hệ thống Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam - VAAS.

Chuyện tự cường ở một Viện vùng khó khăn nhất

Từ một trung tâm nghiên cứu nông nghiệp được nâng cấp thành viện nghiên cứu, cán bộ vừa thiếu vừa yếu, nằm ở vùng khó khăn khắc nghiệt nhất nước, thế nhưng ASISOV đã tự vươn lên thành một viện nghiên cứu cấp vùng tiêu biểu với nhiều sản phẩm khoa học được chuyển giao ra sản xuất.

Đây là kết quả từ yếu tố con người, đào tạo bồi dưỡng cán bộ và đặc biệt hướng đi đúng, chủ động trong nghiên cứu khoa học nông nghiệp.

Đánh giá các dòng, giống lúa mới của Viện KHKT Nông nghiệp Duyên hải Nam Trung bộ. Ảnh: Minh Hậu.

Trung tâm nghiên cứu nông nghiệp Duyên hải Nam Trung bộ được thành lập đầu năm 1997 tại An Nhơn (Bình Định), trực thuộc Viện KHKT Nông nghiệp Việt Nam với nhiệm vụ nghiên cứu và chuyển giao sản phẩm khoa học trồng trọt cho các tỉnh từ Đà Nẵng đến Bình Thuận.

PGS.TS Tạ Minh Sơn, Phó Viện trưởng Viện KHKT Nông nghiệp Việt Nam lúc đó được Bộ NN-PTNT giao nhiệm vụ vào kiêm nhiệm giám đốc Trung tâm, bồi dưỡng, đào tạo cán bộ nghiên cứu khoa học nông nghiệp cho vùng Nam Trung bộ, nơi khí hậu khắc nghiệt 9 tháng mùa nắng 3 tháng mùa mưa, nhiều vùng đất cằn khô SX nông nghiệp gắn với cây điều cùng những loại cây chịu đựng khô hạn. Một trung tâm nghiên cứu nông nghiệp cấp vùng nhưng khi đó chỉ mình người đứng đầu Tạ Minh Sơn là tiến sỹ, cán bộ dưới quyền thạc sỹ còn chưa có.

Cho đến cuối 2005 khi Trung tâm chuẩn bị nâng cấp thành Viện, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Huy Ngọ vào thăm cơ sở nghiên cứu tại An Nhơn, đã phải thốt lên: “Trung tâm nghiên cứu nghèo nàn thua cả hợp tác xã”. Nhà cửa xập xệ, đìu hiu, cán bộ nghiên cứu trong phòng làm việc mà “mái ngói không biết sập lúc nào”, TS Hồ Huy Cường, Viện trưởng ASISOV nhớ lại.

Lúc đó thì không một ai hình dung đến một ngày ASISOV có đội ngũ gần 10 tiến sỹ, một số đang nghiên cứu sinh tại nước ngoài, 30 thạc sỹ trên tổng số 94 cán bộ kể cả hợp đồng. Sản phẩm khoa học của Viện đóng góp đáng kể vào diện mạo nông nghiệp toàn vùng, nguồn thu từ chuyển giao, nghiên cứu của viện mỗi năm 20-30 tỷ và đang trên đà tăng trưởng.

Xác định từng lát cắt nghiên cứu

TS Hồ Huy Cường nói thành công của Viện là tính kế thừa và tính tập thể. Từ người thầy đầu tiên vào dẫn dắt là PGS.TS Tạ Minh Sơn, sau này trở thành Anh hùng Lao động, tác giả các giống lúa nổi tiếng X21, Xi23, NX30 đến TS Hoàng Minh Tâm là Viện trưởng đầu tiên khi Trung tâm được nâng cấp lên thành Viện (trực thuộc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam – VAAS) đều đặt ra các định hướng nghiên cứu phù hợp với vùng được các thế hệ sau tiếp nối.

Phân tích các chỉ tiêu đánh giá giống mới. Ảnh: Minh Hậu.

Theo TS Hồ Huy Cường, có thể chia Duyên hải Nam Trung bộ thành 3 lát cắt: Vùng ven biển lợi thế nuôi trồng thủy sản, vùng đồng bằng có 700.000ha đất lúa và vùng đồi gò phía tây với cả triệu hecta trồng mía, sắn, điều và các cây ăn quả lâu năm. Nuôi trồng thủy sản không phải lĩnh vực nghiên cứu của mình nên Viện tập trung chuyên sâu vào 2 lát cắt còn lại.

Đặc thù Nam Trung bộ nắng nhiều, nền nhiệt độ cao, hầu hết các giống di thực từ phía Nam ra hay phía Bắc vào đều không phù hợp. Ngay một số tiến bộ kỹ thuật, như che phủ nilon trong trồng lạc áp dụng phía Bắc rất tốt nhưng lại khó áp dụng tại Nam Trung bộ vì khí hậu quá nóng.

Chính vì vậy, để tạo hướng đi riêng mình, Viện xác định tập trung vào 2 nhiệm vụ trọng tâm là nghiên cứu giống cây trồng mới thích nghi cho vùng và tuân thủ quy trình xuyên suốt từ tạo giống đến chuyển giao ra sản xuất. Đặc biệt từ 2015 đến nay Nhà nước không trả lương theo đầu người mà giao nhiệm vụ thường xuyên theo chức năng để đi đến tự chủ cho các cơ quan nghiên cứu khoa học. Đấy là định hướng đúng, căn cứ vào đó Viện xây dựng những kế hoạch nghiên cứu dài hơi.

Tự chủ thế nào?

Câu hỏi rất khó ngay cả với những viện nghiên cứu ở vùng thuận lợi có cơ sở vật chất khang trang, hiện đại, nói gì đây là vùng mưa ít nắng nhiều Nam Trung bộ.

ASISOV cũng như bất kỳ một viện nghiên cứu nào trước việc phải đổi mới điều cần đầu tiên là sắp xếp lại các bộ phận nghiên cứu phù hợp. Trên cơ sở vật liệu có sẵn thì phát triển ra sao, định hướng năm nào có giống theo thực tế sản xuất. Điều then chốt giống phải đáp ứng được yêu cầu doanh nghiệp, địa phương đặt hàng.

“Chúng tôi thu gọn lại các phòng chỉ còn phòng Khoa học – Hợp tác quốc tế và phòng Tổ chức Hành chính”, TS Hồ Huy Cường nói. Bộ phận nghiên cứu hình thành các bộ môn theo đúng cây trồng chính của vùng: Khoa học đất, đậu đỗ, cây lương thực, rau hoa cây cảnh, trung tâm phát triển cây lâu năm.

Riêng bộ môn chuyển giao công nghệ và khuyến nông được nâng cấp lên thành trung tâm tư vấn và dịch vụ nông nghiệp. Trung tâm hạch toán độc lập, tự cân đối lương nuôi bộ máy, trả tiền bản quyền theo Luật Khoa học Công nghệ và trả lại một phần kinh phí cho Viện.

Cho đến thời điểm hiện tại Viện KHKT Nông nghiệp Duyên hải Nam Trung bộ đã có khoảng 10 giống lúa bản quyền được chuyển giao cho doanh nghiệp (Cty CP Vật tư nông nghiệp Nghệ An, Cty CP Giống cây trồng Nha Hố, Cty CP Giống cây trồng Đông Nam, Cty TNHH Nông Việt Phát, Cty TNHH Đất Việt…) cung ứng giống lúa khắp miền Trung, vào tận ĐBSCL, có giống mỗi năm bán hàng ngàn tấn.

Chỉ riêng Trung tâm Tư vấn và dịch vụ nông nghiệp trực thuộc Viện mỗi năm cung cấp ra thị trường trên 2.000-2.500 tấn giống lúa siêu nguyên chủng và nguyên chủng, trong đó giống bản quyền chiếm gần một nửa. Đối với một viện nghiên cứu chưa mấy bề dày truyền thống lại nằm ở cùng đặc biệt khó khăn thì đó là nỗ lực không nhỏ.

Giống lúa mới được chuyển giao ra sản xuất tại Bình Định. Ảnh: Minh Hậu.

Hợp tác với doanh nghiệp là hướng tiếp cận để sản phẩm khoa học của viện đến với sản xuất nhanh nhất. Như giống lúa VTNA6, khi còn thuộc Viện ra sản xuất cầm chừng nhưng từ khi chuyển nhượng dứt điểm cho Cty CP Vật tư nông nghiệp Nghệ An thì giống ra sản xuất nhanh hẳn mỗi năm độ phủ của giống lên đến 10-15 nghìn hecta ở Nghệ An và Hà Tĩnh; giống lúa An Sinh 1399 chuyển nhượng cho Cty CP Giống cây trồng Nha Hố bán mỗi năm lên đến 1.500-2.000 tấn; các giống lúa khác như BĐR999, BĐR27, BĐR07, BĐR02, BĐR88… đều là những sản phẩm đặt hàng của doanh nghiệp đối với Viện đang dần phát huy hiệu quả.

“Doanh nghiệp chính là người ra đầu bài cho cơ quan nghiên cứu. Còn cán bộ nghiên cứu phải được đãi ngộ tốt nhất chứ không phải ông viện trưởng”, TS Hồ Huy Cường nêu quan điểm.

Nghĩa là quyền tác giả phải được tôn trọng. Cuối năm vừa qua, Viện KHKT Nông nghiệp Duyên hải Nam Trung bộ trân trọng mời TS Lưu Văn Quỳnh, Phó trưởng bộ môn Cây lương thực của Viện nghỉ hưu, nhận bản quyền tác giả hằng năm, số tiền trên 100 triệu đồng...

Viện cấp vùng tiêu biểu

ASISOV là một trong những viện vùng thành công và tiêu biểu của hệ thống Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam - VAAS. Nằm ở một vùng khó khăn bậc nhất, thiên nhiên không ưu đãi, chịu ảnh hưởng lớn của biến đổi khí hậu nhưng viện đã có bước đi dài hơi, bám sát thực tế sản xuất để nghiên cứu. Tổ chức hoạt động nghiên cứu của viện khá hệ thống, bài bản, hợp tác rất tốt với các địa phương, doanh nghiệp, nhanh chóng chuyển giao kết quả nghiên cứu ra sản xuất, đóng góp lớn cho xã hội.

(PGS.TS Lê Quốc Thanh, GĐ Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, nguyên Phó Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam)

10-51-22__d2t0189Trong hợp tác đặt hàng nghiên cứu với doanh nghiệp, khi giống được công nhận chính thức, từ hỗ trợ bước đầu trong khảo nghiệm, doanh nghiệp được quyền kinh doanh trong phạm vi vùng sản xuất nhất định, chẳng hạn từ Bình Định trở vào hay Thừa Thiên Huế trở ra. Trên cơ sở doanh thu từ giống bán bản quyền hàng năm, doanh nghiệp hỗ trợ lại Viện một phần theo thỏa thuận. Đây là hợp tác bên nào cũng thuận lợi, giống mới ra sản xuất nhanh và hiệu quả.

(TS Hồ Huy Cường (ảnh), Viện trưởng Viện KHKT Nông nghiệp Duyên hải Nam Trung bộ)

Nguồn: Trần Cao - Minh Hậu - Báo Nông nghiệp Việt Nam

Nguồn tin:


© 2016, Bản quyền thuộc về VIỆN KHOA HỌC KỸ THUẬT NÔNG NGHIỆP DUYÊN HẢI NAM TRUNG BỘIn trang: